23 Phong tục ngày Tết cổ truyền đậm đà bản sắc Việt Nam

Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng nhất của người Việt. Là dịp để mọi người trong gia đình sum họp, vây quần bên nhau sau một năm dài vất vả làm việc. Trong những ngày này có vô vàn các phong tục ngày Tết thể hiện bản sắc riêng biệt, nét đẹp văn hóa của dân tộc ta. Dưới đây là 23 phong tục ngày Tết có thể bạn chưa biết hết, hãy cùng Vietfamtravel tìm hiểu ngay thôi.

1. Phong tục ngày Tết cúng ông Táo

Vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, tức là ngày Táo Quân sẽ cưỡi cá chép hóa rồng bay về trời để trình báo mọi việc lớn nhỏ, tốt xấu xảy ra trong năm qua của gia đình. Để Thiên Đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người. Đến đêm Giao thừa, Táo Quân sẽ quay về với hạ giới để tiếp tục công việc trông coi bếp núc cho gia đình. Với mong muốn Thần Bếp sẽ phù hộ cho gia đình được nhiều may mắn, nên cứ đến ngày 23 người ta lại làm lễ cúng ông Táo rất long trọng.

mam-com-cung-ong-tao

Mâm cỗ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch

Lễ cúng ông Táo sẽ được diễn ra trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Hoặc có thể cúng vào trưa hay tối ngày 22 tháng Chạp, bởi sau 12h trưa ngày 23 là ông Táo đã lên trời nên không nhận được đồ cúng.

Mâm cỗ cúng ông Táo gồm 3 bộ mã, 2 bộ cho Táo Ông và 1 bộ cho táo Bà. Các gia đình thường mua 3 con cá chép thả vào chậu nước đặt cạnh mâm cỗ, sau khi làm lễ xong thì đem thả xuống sông để “cá chép hóa rồng”, làm phương tiện cho ông Táo cưỡi về trời.

do-cung-ong-tao

Đồ cúng ông Công, ông Táo

Ông Táo cũng chính là người đại diện cho sự ấm no hạnh phúc của một gia đình, gia đình ấy có sung túc, hạnh phúc, no ấm hay không là phụ thuộc vào bữa cơm gia đình.

Bởi vậy việc cúng ông Công ông Táo trong ngày Tết cũng chính là hình ảnh biểu tượng cho sự êm ấm, hạnh phúc của một gia đình, mong muốn sang năm mới sẽ ngày càng hòa thuận, hạnh phúc hơn. Sau nghi lễ tế ông Công ông Táo về trời cá chép được mang đi phóng sinh, cũng có gia đình không dùng cá chép thật, họ sử dụng cá chép bằng giấy sau đó hóa cùng mũ áo.

2 .Dựng cây nêu

Tương truyền, hàng năm cứ đến năm mới ma quỷ lại đến phá đám, bởi vậy để xua đuổi tà ma và những điều không may mắn, ở mỗi nơi đều dựng cây nêu để báo hiệu rằng nơi đây đã có chủ, ma quỷ không được tới quấy nhiễu.

Cây nêu là một cây tre cao khoảng 5 đến 6 mét, ở ngọn cây thường treo nhiều thứ bằng giấy vàng bạc, bùa trừ tà, bầu rượu bện thêm bằng rơm, cạnh đó có treo một cái đèn lồng đèn nhỏ, vừa mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, những điều không may mắn, vừa mang ý nghĩa soi đèn để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Cây nêu được dựng từ ngày 23 tháng Chạp đến hết ngày mùng 7 tháng Giêng thì được hạ xuống.

3. Dọn dẹp, trang trí nhà cửa đón Tết

Vào những ngày trước Tết, các gia đình người Việt thường có phong tục dọn dẹp, trang trí nhà cửa. Trong những ngày này, các đồ dùng gia đình hay bàn ghế, cửa ngõ đều được lau chùi sạch sẽ. Những đồ đạc đã cũ sẽ được thay thế bằng những thứ mới và đẹp mắt hơn. Các vật dụng như hộp mứt Tết, bộ bình ly uống nước,… được gia chủ trưng bày để chuẩn bị đón Tết.

don-nha-cua-don-tet

Các gia đình dọn nhà cửa thật sạch sẽ để đón Tết

Các loại cây như cây mai, cây đào, cây tắc,… sẽ được lặt lá để kịp ra hoa. Người ta cũng treo thêm các dây đèn nháy đủ màu sắc lên chậu mai để trông lấp lánh và không khí náo nhiệt hơn. Phong tục dọn dẹp nhà cửa cuối năm của người Việt thể hiện mong muốn “năm mới luôn sạch sẽ, gọn gàng và tràn đầy những điều may mắn”.

 Ý nghĩa cùa việc dọn dẹp nhà cửa là mong một năm mới tất cả những điều không tốt của năm cũ đều được xóa bỏ, đón chào những cái mới, cái may mắn trong một năm sắp đến.

4.Đi thăm mộ tổ tiên

Bắt đầu từ ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp hàng năm, con cháu trong gia đình đi thăm và quét dọn mồ mả tổ tiên, họ thường mang hương, hoa quả đến cúng và mời vong linh tổ tiên về nhà ăn Tết với con cháu. Đây là một phong tục phổ biến của tất cả người Việt, thể hiện lòng hiếu đạo, sự thành kính đối với đấng sinh thành và những người đã mất, cũng chính là truyền thống uống nước nhớ nguồn, đạo lý của dân tộc Việt Nam.

5. Gói bánh chưng, bánh tét Tết

Bánh chưng, bánh tét là một phần không thể thiếu trong nét đẹp văn hóa của người Việt, hàng năm cứ vào ngày Tết khoảng từ ngày 27, 28, 29 Tết mọi gia đình lại ngồi quây quần bên nhau gói những chiếc bánh chưng bánh tét.

Ở miền Nam thì có bánh tét, bánh có hình trụ, miền Bắc thì có bánh chưng hình vuông, tuy hình dáng có khác nhau nhưng nguyên liệu thì hoàn toàn giống nhau, lúa gạo là nguyên liệu chính của bánh, bánh tượng trưng cho nền văn hóa lúa nước lâu đời của người Việt.

Truyền thống này có từ thời vua Hùng và cho đến nay là điều không thể thay đổi được trong nét đẹp văn hóa những ngày Tết, gia đình nào cũng phải gói cho mình vài chục chiếc bánh để thờ cúng tổ tiên, tặng bạn bè, người thân hay ăn vào dịp Tết. Lúc gói bánh chưng chính là lúc nhớ về nguồn cội của mình, mọi người có thêm thời gian quây quần bên nhau, kể chuyện về một năm cũ đã qua và hy vọng về một năm mới vuông vức tràn đầy, những chiếc bánh bánh tét càng tròn, bánh chưng càng vuông thì năm mới càng đầy đủ, sung túc, thành công.

ngay-tet-cung-goi-banh-tet

Ngày Tết mọi người sẽ cùng nhau gói bánh tét, bánh chưng

goi-banh-chung-ngay-tet

Là dịp để các thành viên trong gia đình trò chuyện với nhau nhiều hơn

6. Đi chợ sắm đồ Tết

Một trong những phong tục ngày Tết không thể thiếu đó là đi chợ để mua sắm đồ dùng, vật phẩm. Những ngày trước Tết, mọi người sẽ háo hức đi chợ để sắm sửa quần áo Tết, giày dép, trái cây hay vật dụng để trang trí nhà cửa thật sáng sủa để đón năm mới.

phien-cho-tet

Phiên chợ ngày Tết đông vui náo nhiệt

Phiên chợ ngày Tết ngập tràn sắc hoa, trái cây tươi bắt mắt, những góc chợ đều rôm rả tiếng người mua bán và sắm đồ Tết. Có lẽ bất cứ ai cũng đều cảm thấy vui và rộn ràng trong lòng thật sự. Chợ Tết thường không giống với những phiên chợ ngày thường. Các loại kẹo bánh, bánh mứt đều được bày bán ở khắp các sạp trong chợ.

Người thì bận lựa cho gia đình những bộ quần áo xinh đẹp nhất, người thì vừa mua sắm xong, tay xách những giỏ xách thật nặng trĩu. Thấy chợ Tết bắt đầu náo nhiệt thì cũng là lúc Tết đã đến thật rồi.

di-cho-sam-do-tet

Chợ Tết ngập tràn sắc đỏ của bao lì xì, của câu chúc tết @Kenh14.vn

7. Làm mâm ngũ quả ngày Tết

Cứ mỗi độ xuân về thì trên bàn thờ gia tiên của mọi gia đình Việt phải luôn có mâm ngũ quả. Với người Việt thì mâm ngũ quả ngày Tết mang một ý nghĩa quan trọng sâu sắc. Nó thể hiện lòng biết ơn và sự hiếu thảo của con cháu đối với ông bà tổ tiên trong dịp Tết cổ truyền. Mâm ngũ quả ở 3 miền Bắc Trung Nam khác nhau về cách bày trí.

Thông thường, người ta sẽ chuẩn bị mua trái cây vào những ngày cận Tết và bày biện sao cho hợp phong tục nơi mình ở. Sau đó dâng mâm ngũ quả lên cúng gia tiên với ước nguyện âm dượng hòa hợp, năm mới đủ đầy và may mắn.

mam-ngu-qua-dep

Mâm ngũ quả rất quan trọng trong dịp Tết cổ truyền

8.Chơi hoa dịp Tết

Hoa là thứ đồ không thể thiếu trong mỗi gia đình vào những ngày Tết, nó tượng trưng cho sự may mắn ngày Tết, hoa nở càng đẹp, càng thơm thì ngày Tết càng tràn đầy.

Ở miền Bắc, người ta thường chọn cành đào đỏ để cắm trên bàn thờ hoặc cây đào, cây quất để trang trí trong nhà bởi hoa đào màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn còn cây quất càng nhiều quả thì chứng tỏ gia đình ấy càng nhận được nhiều lộc trong năm mới.

Ở miền Trung và miền Nam lại sử dụng cành mai vàng bởi theo quan niệm của họ, mai vàng tượng trưng cho sự cao sang của vua chúa thời phong kiến, là biểu tượng cho sự phát triển thăng tiến. Tuy mỗi miền một màu sắc, một sắc hoa khác biệt nhưng nó đều tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, thịnh vượng cho gia đình.

chup-anh-voi-hoa-dao

Chụp ảnh Tết với hoa đào ở miền Bắc

chup-anh-tet-voi-hoa-mai

Hay với hoa mai, hướng dương ở miền Nam

9. Làm mứt Tết

Một trong những phong tục ngày Tết rất được yêu thích đặc biệt với hội chị em nội trợ. Thay vì cả năm phải chuẩn bị những bữa cơm thông thường cho gia đình thì Tết là dịp các chị em trổ tài làm các món mứt Tết như mứt dừa, mứt me, mứt vỏ bưởi,..

Mứt Tết ngày xưa thì đơn giản hơn bây giờ, nhà ai dư giả lắm thì mới có thêm món mứt dừa truyền thống. Mứt được đựng trong những hộp mứt màu đỏ hình ngũ giác đơn sở, giản dị. Ấy vậy mà tuổi thơ bọn trẻ chúng tôi lại gắn liền với những ký ức ấy.

hop-mut-tet-truyen-thong

Ký ức đong đầy qua hộp mứt Tết ngày xưa

Hiện đại hơn chút nữa thì có nhiều món mứt đa dạng, lạ mắt hơn và được đựng trong những hộp mứt đủ hình dạng và màu sắc. Dù là ở thời điểm nào đi chăng nữa thì mứt Tết luôn là món ngon được người ta mong chờ nhất nhì trong ngày tết cổ truyền.

hop-mut-sac-mau-tet-viet

Hiện đại hơn thì có hộp mứt sang trọng, đủ màu sắc

10. Biếu giỏ quà Tết, hộp quà Tết

Khi mùa xuân dặm ngõ thì cũng là lúc người ta tất bật chuẩn bị nhiều thứ để đón năm mới. Ngoài việc sắm sửa quần áo, dọn dẹp nhà cửa thì việc chọn lựa giỏ quà Tết cho cha mẹ, ông bà, bạn bè hay đồng nghiệp, cấp trên cũng rất được quan tâm. Mỗi món quà đều chứa đựng nhiều tâm tư tình cảm, ý nghĩa khác nhau. Với người tặng thì đó là cả tấm lòng và sự biết ơn trong một năm qua với người thân, cấp trên. Với người nhận đó là sự hạnh phúc đầu năm, là thể hiện sự may mắn, đủ đầy.

qua-tang-tet-2020

Quà Tết mang ý nghĩa lòng biết ơn, tình cảm của người gửi

11. Cúng tất niên cuối năm

Người Việt thường có phong tục cúng tất niên cuối năm vào những ngày giáp Tết. Các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau chuẩn bị những mâm cỗ đầy, khói hương nghi ngút đặt lên bàn thờ gia tiên. Vào dịp này, người ta sẽ chuẩn bị 2 mâm cỗ, một mâm đặt ở bàn thờ gia tiên, mâm còn lại sẽ để ở giữa trời, thường là trước sân nhà.

phong-tuc-ngay-tet-cung-tat-nien

Các thành viên trong gia đình sẽ gặp mặt nhau trong ngày cúng tất niên

Đây là một phong tục ngày Tết mang ý nghĩa rất quan trọng. Tất nghĩa là xong, hết còn niên nghĩa là năm do đó tất niên là kết thúc một năm cũ đã qua. Ngoài gia đình thì các doanh nghiệp cũng sẽ cúng tất niên và tổ chức tiệc tất niên vào cuối năm để tổng kết 1 năm làm việc và cầu may cho năm mới.

tiec-tat-nien-o-cac-cong-ty

Các công ty cũng sẽ tổ chức tiệc tất niên để họp mặt cuối năm

12. Lễ rước vong linh ông bà

Vào chiều ngày 30 Tết các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ gồm trái cây, thức ăn để cúng ông bà, tổ tiên. Đây là phong tục ngày Tết rước ông bà về ăn Tết với con cháu. Người gia trưởng của gia đình sẽ thắp hương dâng lên bàn thờ gia tiên và cúng vái. Theo đó, những thành viên còn lại cũng sẽ chắp tay để thỉnh vong linh của ông bà về ăn Tết cùng với gia đình, dòng họ.

cung-30-tet

Lễ rước ông bà vào chiều 30 Tết

13. Đón giao thừa

Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới được gọi là giao thừa. Đêm 30 Tết người ta tất bật chuẩn bị mọi thứ để bước sang một năm mới thật trọn vẹn nhất. Mọi người sẽ cùng nhau chờ đợi thời khắc thiêng liêng nhất để cùng đếm ngược và xem bắn pháo hoa khắp nơi của đất nước.

Ngắm pháo hoa đêm giao thừa

Giao thừa đêm 30 là thời khắc thiêng liêng nhất năm

14. Xuất hành đầu năm

Xuất hành vào đầu năm mới là phong tục ngày Tết diễn ra vào sáng mồng 1 Tết. Tức là thời gian bạn sẽ bước chân ra khỏi nhà đầu tiên thì được tính là xuất hành. Thông thường sau khi đón giao thừa thì người ta sẽ xuất hành theo giờ đẹp và hướng phù hợp. Nếu không thì bạn vẫn có thể xuất hành vào sáng sớm mồng 1 đều được. Phong tục xuất hành đầu năm với mong muốn cả năm may mắn, “thượng lộ bình an” mỗi khi bước chân ra đường.

Xuất hành đầu năm

Phong tục xuất hành đầu năm

15. Phong tục xông đất

Tục xông đất hay còn là xông nhà được thực hiện sau đêm giao thừa, thường là vào mồng 1 Tết. Ai đặt chân đến nhà bạn đầu tiên thì người đó được coi là người xông đất đầu năm. Với quan niệm nếu người xông đất hợp tuổi với gia chủ trong năm mới thì cả năm sẽ làm ăn phát đạt. Do đó người ta rất coi trọng tục xông đất đầu năm. Nhiều gia đình thường chọn người xông đất hợp tuổi với mình để đến chúc Tết đầu tiên vào ngày mùng 1. Một số nơi khắt khe hơn thì có nhiều kiêng kỵ hơn nữa.

Xông đất dầu năm

Phong tục ngày Tết xông đất đầu năm

16. Hái lộc đầu xuân

Cũng giống như tục xông đất, hái lộc đầu xuân là phong tục ngày Tết được thực hiện vào đêm giao thừa hoặc sáng sớm mồng 1 Tết. Người ta sẽ hái một cành cây non trên đường đi xuất hành hoặc đi lên chùa thắp hương đầu năm và hái lộc. Phong tục này với người Việt thể hiện ước muốn cả năm gia đình sẽ làm ăn phát tài, rước hên vào nhà.

hai-loc-dau-nam

Phong tục hái lộc đầu năm để rước hên vào nhàình.

17. Phong tục ngày Tết – Chúc Tết

Chúc Tết không chỉ là phong tục ngày tết mà còn là nét đẹp truyền thống của người Việt từ xưa đến nay. Sau đêm giao thừa, mọi thành viên trong gia đình sẽ cùng chúc nhau bằng những câu chúc tết hay và ý nghĩa nhất. Và 3 ngày Tết tiếp theo người ta tiếp tục đi chúc Tết ông bà, họ hàng gần xa.

chuc-tet-ong-ba

Đầu năm mọi người cùng nhau chúc Tết

Ông bà ta thường có câu mồng 1 Tết cha, mồng 2 Tết mẹ và mồng 3 Tết thầy. Ý muốn nói nhà cha là nhà bên họ nội cho nên ngày mùng 1 thiêng liêng nhất nên ai cũng về từ đường bên họ nội cúng gia tiên, viếng thăm, mừng tuổi và chúc tụng họ hàng. Ngày mùng 2, lại kéo cả nhà về bên họ ngoại, cố thực hiện cho bằng được ý nghĩa đoàn tụ truyền thống trong mấy ngày Tết. Ngày mùng 3 thì học trò rủ nhau đến viếng thầy cô để trò chuyện với nhau về những ngày còn là học sinh.

chuc-tet-dau-nam

Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ và mùng 3 Tết thầy

18. Lì xì, mừng tuổi

Một trong những phong tục ngày Tết không thể kể đến là lì xì đầu năm. Trong những ngày Tết, người lớn trong gia đình sẽ chuẩn bị những bao lì xì màu đỏ để lì xì cho con cháu.

li-xi-con-chau

Người lớn sẽ chuẩn bị bao lì xì trong ngày Tết

 

Con cháu đã trưởng thành và công ăn việc làm thì sẽ mừng tuổi ông bà, cha mẹ của mình cũng với các phong bao lì xì. Tiền mừng tuổi hay lì xì ít nhiều không quan trọng, chủ yếu là tấm lòng và tượng trưng cho tài lộc đầu năm.

Phong tục ngày Tết

Con cháu trong nhà cũng sẽ mừng tuổi ông bà

19. Khai bút đầu Xuân

Tục khai bút hay còn gọi là khai nghề đầu năm là một nét đẹp văn hóa cong giữ lại của người Việt. Người xưa quan niệm rằng trong những ngày đầu tiên của năm nếu mọi việc suôn sẻ thì cả năm cũng sẽ thuận lợi như ý muốn. Do đó những người buôn bán, học trò,… sẽ khai bút và xin chữ đầu năm. Học trò khai bút, nhà nông khai canh còn người buôn bán thì thường sẽ mở cửa để lấy hên.

khai-but-dau-nam

Phong tục khai bút đầu năm

tuc-xin-chu-dau-nam

Tục xin chữ của người Việt

20.Đi lễ chùa đầu năm

Đi lễ chùa đầu năm được coi là một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt Nam, đầu năm mọi người thường đi chùa với mong muốn cầu cho một năm mới may mắn, hạnh phúc, đồng thời đó còn là việc làm để tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với Đức Phật, tổ tiên.

Đi lễ chùa đầu năm còn là việc khiến bản thân mình trở nên thanh tịnh hơn, gột rửa những điều cũ, bắt đầu cho một năm mới với những điều may mắn, tốt đẹp.

21. Tục kiêng không quét rác ngày Tết

Vào dịp Tết cổ truyền người Việt rất quan tâm đến những điều kiêng kỵ đầu năm. Mong muốn và hy vọng cả năm sẽ luôn gặp điều may mắn. Gia đình luôn hạnh phúc, ít xảy ra tranh cãi hay những điều không may. Dân gian quan niệm rằng, 3 ngày Tết không được quét rác bởi gia đình đó sẽ nghèo túng cả năm do đã quét đi lộc đầu năm. Hoặc có thể quét ở trong nhà nhưng không đổ rác đi mà chỉ được để ở góc nhà.

tuc-kieng-quet-nha-ngay-tet

3 ngày Tết không nên quét nhà hoặc chỉ để rác ở góc, không được đổ đi

22. Mâm cỗ ngày Tết

Ngày Tết thì nhất định phải vây quần bên nhau để ăn cỗ rồi. Mâm cỗ ngày Tết bao giờ cũng đầy đủ món và được chuẩn bị long trọng hơn ngày thường. Mâm cỗ được sắp xếp, bày biện nhiều món với ý nghĩa mong muốn một năm mới sẽ ấm no và hạnh phúc hơn. Mâm cỗ ngày Tết được chia làm nhiều dịp khác nhau như mâm cỗ tất niên, mâm cỗ cúng giao thừa, mâm cỗ cúng gia tiên và mâm cỗ mồng 1, mồng 2 và mồng 3 Tết.

Phong tục ngày tết

Mâm cỗ ngày Tết

23. Màu của ngày Tết

Màu đỏ chính là màu tượng trưng cho ngày Tết Nguyên Đán. Bởi theo quan niệm của dân gian thì màu đỏ mang đến sự may mắn, phát tài phát lộc. Màu đỏ xuất hiện ngập tràn trong ngày Tết như dưa hấu, câu đối đỏ, bao lì xì, hạt dưa, tấm lịch,… Người ta cũng thường chọn các trang phục như váy áo hay áo dài đỏ để diện trong đầu năm với mong muốn gặp muôn vàn may mắn trong năm nay.

mau-ngay-tet

Màu đỏ là màu tượng trương cho ngày tết

Tết là mở đầu của một năm mới, bởi vậy ai cũng mong mình sẽ đạt được những điều may mắn trong năm tới, do đó có những phong tục ngày Tết dường như đã ăn sâu bám rễ trong đời sống người Việt, trở thành một phần không thể thiếu, thành một thói quen trong văn hóa của người Việt, nó cũng chính là truyền thống tốt đẹp mà mọi người cần trân trọng và làm theo.

Theo internet

Danh mục sản phẩm

Giỏ hàng

CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ DU LỊCH VIỆT FAMILY

  • Add: Số 70, LK 16, KDT Cienco 5 Mê Linh, Xã Tiền Phong, Huyện Mê Linh, Tp Hà Nội
  • Phone: 0969.060.728 - 0355.353.288
  • Hotline: 0969060728
  • Email: vietfamtravel1@gmail.com
Language »